Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Về đâu cuốn lịch bloc trong thời đại smartphone?

Về đâu cuốn lịch bloc trong thời đại smartphone?

Sống trên đời đã hơn 20 cái nồi bánh chưng, nhưng tôi chưa bao giờ phải mua một cuốn lịch bloc (hay còn gọi là lịch xé) cho bản thân dùng. Trong tâm trí của tôi, lịch là một thứ để mình mua tặng cho người khác, và ngược lại, cứ mỗi lúc gần Tết, kiểu gì cũng sẽ có người biếu gia đình tôi một vài cuốn lịch xé để làm quà.

Lịch xé là vật dụng phổ biến trong ngôi nhà của người Việt Nam, việc xé lịch hằng ngày là một hoạt động rất đỗi quen thuộc với tất cả chúng ta. Quen thuộc tới nỗi mà ngày nay chúng ta hay dùng từ lóng “bóc lịch” để nói đến việc ai đó bị giam giữ, ngụ ý rằng người đó sẽ phải xé lịch qua năm tháng để chờ đến ngày được trả tự do. Mối liên hệ giữa cuốn lịch và người Việt cũng đã tồn tại từ rất lâu. Mộc bản triều Nguyễn có ghi chép lại một số tư liệu về quá trình khảo cứu và thiết kế nên những cuốn lịch Tết để gửi gắm cho dân làng mỗi dịp sang năm.

Lịch bloc được bày bán vào dịp Tết trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5).

Những năm gần đây, tôi đọc được một số bài báo đưa tin về doanh số giảm sút của lịch Tết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này kể ra cũng không ít — thiết kế theo lối cũ bị nhàm chán, nhiều người không chủ động mua vì chờ người khác tặng lịch, hay đơn giản vì có thể mở điện thoại ra xem ngày tháng; việc mua một cuốn lịch treo tường chẳng còn quá cần thiết nữa. Là một người lớn lên trong ngôi nhà luôn có một khoảng trống trên bức tường dùng để treo lịch Tết, tôi cũng tự hỏi vì sao món đồ này đang chật vật đến vậy.

Suy đoán đầu tiên của tôi là khi nhận quà Tết, người ta sẽ ưa chuộng những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao như giỏ quà, hộp bánh, cần được tạo một không gian nhỏ để bày biện, mang cảm giác tươi mới cho căn nhà. Còn những cuốn lịch bloc thì khó mà cho ta những cảm xúc tương tự. Sau khi giựt đi cả chục tờ, cuốn lịch dần hòa vào phông nền và trở thành một món đồ bình thường như những vật dụng khác trong nhà của chúng ta.

Lịch bloc đủ kiểu và đủ cỡ.

Nhưng tôi nghĩ sẽ không công bằng với lịch bloc nếu chỉ xét giá trị của nó dựa trên công năng chính. Nếu tính cả công dụng bên lề, tôi thấy lịch bloc đã gắn bó với cuộc sống của chúng ta một cách rất thầm lặng. Tôi nhớ được những sáng sớm mẹ tôi sử dụng các trang lịch xé để viết danh sách đi chợ. Gia đình tôi cũng dùng lịch để bọc trái cây, thực phẩm hoặc làm giấy đựng xương cá khi chúng tôi quây quần trong mâm cơm gia đình.

Tờ lịch sau khi bị xé được đem để bỏ xương cá hoặc làm giấy nháp cho con nít vẽ.

Kí ức rõ rệt nhất của tôi với cuốn lịch là vào lúc tôi còn là một đứa nhóc 5 tuổi. Hồi ấy, tôi rất mê vẽ, mê vẽ bậy thì đúng hơn, cứ nơi nào có khoảng trống là tôi sẽ muốn đi vài nét lên đó, và tường nhà là nơi tôi hay triển lãm các tác phẩm của mình. Được một thời gian, bố mẹ tôi cấm tiệt, không cho tôi lấy bút màu để trang trí nhà nữa. Nhưng họ cho tôi mấy tờ lịch xé để thỏa thích múa bút, và rồi cứ sang một ngày mới là tôi lại hào hứng chạy vào bếp để xé thêm một trang lịch.

Cho nên, dù những cuốn lịch bloc đã dần mất đi chức năng chính của nó, thì những trang lịch xé vẫn một phần nào đó làm cho cuộc sống chúng ta thuận tiện hơn một chút. Chúng có thể không đặc sắc bằng những giỏ quà bánh, nhưng tôi đồ rằng những cuốn lịch có một đặc điểm hay ho hơn những loại quà Tết khác: là khi ngày Tết đã qua đi, những món đồ trang trí được tháo gỡ, quà Tết trong giỏ cũng không còn, khi chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường, thì vẫn còn đó cuốn lịch mang sắc đỏ ngày Tết được treo trên tường nhà, như giữ lại cho ta một chút năng lượng hân hoan trong suốt một năm dài.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Tự chọn áo dài Tết, tôi tìm thấy mình trong hình ảnh nữ tính 'không truyền thống'

Trung học có lẽ là giai đoạn ẩm ương đối với hầu hết chúng ta, như những mô típ kinh điển trong các bộ phim tuổi mới lớn. Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và đã trải qua khoảng thời gian mài đũng quần ...

Paul Christiansen

in Văn Nghệ

Viết cho tượng 12 con giáp — niềm vui bất tận của tôi mỗi dịp Tết về

Cứ mỗi mùa Tết đến, mạng xã hội Việt Nam trở nên xôm tụ khi mọi người khắp đầu cầu đất nước bắt đầu chia sẻ hình chụp tượng linh vật năm mới quê mình. Ngồi ngắm nghía tượng trên mạng cùng team Saigone...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

Khôi Phạm

in Snack Attack

Tản mạn về trà đá, vị cứu tinh của người Việt trong những ngày hè oi ả

Nếu như cà phê sữa đá là thứ không thể thiếu vào những buổi sáng lười biếng, thì một bình trà đá mát lạnh chính là lời hứa hẹn cho những bữa ăn ngon hết sảy.

in Văn Hóa

Tết Thanh Minh, người Dao Chàm Quản Bạ xuống suối bắt cá dâng lên tổ tiên

Hàng năm, vào dịp Tết Thanh Minh, người Dao Chàm ở Nặm Đăm, Quản Bạ lại tổ chức hội bắt cá. Cá sau khi bắt được chia đều cho các hộ trong làng làm mâm cơm dâng lên tổ tiên và thần linh để cảm tạ, đồng...

in Văn Hóa

Một thoáng Nam Bộ qua Lễ Kỳ Yên của đình Phú Nhuận trăm tuổi

Diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 của tháng Giêng âm lịch, Lễ Kỳ Yên là lễ hội lớn nhất được tổ chức hàng năm tại đình Phú Nhuận.