Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Xem Hollywood, nghe bé Xuân Mai, nhớ một thời chinh chiến cùng băng đĩa lậu

Xem Hollywood, nghe bé Xuân Mai, nhớ một thời chinh chiến cùng băng đĩa lậu

Ở Hà Nội, đã từng có một thời thị trường trao đổi, mua bán băng đĩa lậu diễn ra vô cùng công khai và sôi động. Nhưng ngày nay, khi nhìn vào những cửa hàng băng đĩa lậu trên phố Hàng Bài, người ta chỉ còn bắt gặp danh mục mặt hàng từ thời “tiền sử”: CD Taylor Swift từ thời còn làm “công chúa nhạc đồng quê,” tuyển tập Now That’s What I Call Music 54, phim Dawn of The Planet of the Apes, và soundtrack nhạc kịch Cats. Thời gian ở đây dường như đã đóng băng từ cách đây vài năm, không gian vắng lặng chẳng có người bán lẫn người mua. Giữa phố xá nhộn nhịp, nơi từng được xem là “Thủ phủ băng đĩa lậu của Hà Nội” giờ đây chỉ còn lặng lẽ nép mình trước cửa một khu ký túc xá.

Nếu như ở thập niên 1980, 1990, các thiết bị như máy quay, đầu đọc CD, và ti-vi vẫn thuộc hàng đáng mơ ước với thế hệ bố mẹ tôi, thì đến lứa chúng tôi, chúng đã bị thất sủng. Ngày đây, người ta không còn cần đến những công nghệ cũ để xem các sản phẩm giải trí. Nếu bạn hỏi bừa ai đó trên đường về băng đĩa lậu, có lẽ họ vẫn sẽ biết đấy là gì, nhưng rất ít người có thể chỉ ra được xem CD còn bán ở đâu hay mua như thế nào.

Thời gian cận Tết này, tôi bỗng nhớ về những bài viết trên báo đài tôi đọc được lúc nhỏ, kịch liệt lên án nạn băng đĩa giả và lậu. Công an thường triệt phá các đường dây CD lậu những ngày trước Tết, vì các chương trình hài kịch mừng xuân bấy giờ không được nhà đài chiếu lại, nếu muốn xem lại lần nữa, chỉ có nước mua băng đĩa chép lậu. Theo luận điểm của phần lớn cánh báo chí thời này, đây là những loại văn hóa phẩm không lành mạnh, góp phần bóp chết tính sáng tạo và vùi dập các hãng đĩa chính chuyên.

Nhưng là người lớn lên với băng đĩa lậu, tôi không cho rằng loại hình giải trí này là lỗi thời hay độc hại như người ta vẫn nói. Thay vào đó, tôi nghĩ việc mua băng đĩa lậu cũng có nét hay ho riêng biệt mà chỉ có người từng trải nghiệm mới hiểu được.

Thủ phủ băng đĩa lậu giữa lòng thủ đô

Những năm đầu thập niên 2000 là thời kỳ hoàng kim của băng đĩa lậu tại Hà Nội. Các gian hàng DVD lậu tập trung tại chợ Giời và chợ Đồng Xuân, hoặc nằm rải rác trước các chung cư trên Phố Thợ Nhuộm hay Hàng Bài.

Buôn bán băng đĩa lậu từng là một nghề siêu lợi nhuận. Năm 2007, một bài viết trên Quân Đội Nhân Dân ghi nhận giá thành CD nhạc chính hãng dao động từ 28.000 đến 35.000VND, còn đĩa chép lậu rẻ hơn rất nhiều, từ 6.000 đến 8.000VND. Máy ghi chép CD là công nghệ phổ biến nhất được dùng để truyền dữ liệu qua đĩa trắng, và mỗi đĩa trắng chỉ tốn 4.000VND, theo giá thị trường những năm 2000. Người ta chỉ tìm đến các cửa hàng DVD chính hãng khi có nhu cầu mua hàng hiếm, như phim Hollywood cổ, hoặc các ấn phẩm nghệ thuật hàn lâm.

Một cửa hàng đồ điện tử và DVD ở Huế. Nguồn ảnh: Hue Tourism.

Được săn đón nhất có lẽ là show ca hát tạp kỹ của người Việt hải ngoại — Paris by Night. Băng đĩa chính hãng của Paris by Night thường rất đắt và khó tìm trong lãnh thổ Việt Nam. Và vì quá yêu thích chương trình, nhiều người đành tìm đến hàng băng đĩa lậu. Ngoài băng đĩa Paris by Night, video thu lại live show của những tên tuổi lớn như Mỹ Tâm, Bằng Kiều, Lệ Quyên cũng phổ biến không kém cạnh. Các bạn tuổi teen và người trẻ những năm cuối thập niên 2010 thì mê mẩn những bộ phim nước ngoài. Poster của những bộ phim như The Mummy ReturnsMission ImpossibleHarry Potter và các bộ phim bom tấn Hollywood khác được dán đầy trong hàng DVD để thu hút người qua đường.

Cuối cùng, không thể không kể đến đĩa nhạc của ABBA và Boney M, được tiêu thụ chủ yếu bởi thế hệ lớn tuổi không quen sử dụng internet. Đến đến ngày nay, số ít chủ cửa hàng DVD còn sót lại trên phố Hàng Bài vẫn giữ đĩa của hai huyền thoại âm nhạc Châu Âu này làm mặt hàng chính.

Kỉ niệm ‘đào vàng’ ở tiệm bán đĩa

Mua DVD làm ta hồi tưởng về cái thời mà các trang nghe nhạc và tải nhạc trực tuyến còn chưa ra đời. Ở những tiệm băng đĩa Hà Nội, người ta thường tụ tập trên mấy cái ghế nhựa nhỏ, giống kiểu tụ tập trà đá vỉa hè — vừa tạm bợ vừa xôm. Về ngoại hình, những chiếc CD này thường rất “ô dề.” Bìa CD như đấm vào thị giác người nhìn, nhồi nhét gương mặt của tất tần tật các nghệ sĩ xuất hiện trong đó. Thiết kế thường trộn lẫn giữa font chữ tiếng Việt và các bảng màu bắt mắt như xanh lá cây hay cam hoàng hôn, nhìn rất “dị có chủ đích,” có thể dùng làm tư liệu nghiên cứu các xu hướng thẩm mỹ ở Việt Nam những năm 2000.

Do bán hàng giả nên người bán hàng thường trông rõ chán nản, không có chút hứng thú gì với sản phẩm của mình. Thật khác với những “chuyên gia” bán đĩa phim DVD chính hãng — vì kinh tế là phụ, vì đam mê là chính — mà tôi gặp được ở Hà Nội, anh sẽ luôn cập nhật cho khách hàng mình tuyển tập phim của Marilyn Monroe mà anh vừa mua được ở Amazon, trong khi nhân viên ở mấy cửa hàng băng đĩa lậu không hề quan tâm đến nội dung DVD mà khách họ tìm kiếm.

Do lượng khách cuối năm thường rất lớn, các cửa hàng băng đĩa lậu thường thuê thanh niên tuổi đôi mươi bán hàng, đa số là con cháu trong gia đình của người chủ. Khách hàng khi hỏi mua một loại đĩa cụ thể nào đó sẽ nhận được một cọc đĩa cùng thể loại cột lại với nhau, kèm theo một lời hướng dẫn không mấy mặn mà như: “Chắc nó trong đống này đó, bóc đại một cái đi.” Chọn DVD cũng phải “có căn,” ai cao tay sẽ may mắn đào được một món hàng hiếm.

Từng phủ sóng khắp mọi nơi, các cửa hàng băng đĩa giờ đây đứng trước bờ vực đóng cửa vì YouTube, Netflix, v.v. Nguồn ảnh: Hue Tourism.

Độ phủ sóng của băng đĩa lậu thể hiện một lối tư duy của nhiều người Hà Nội mà tôi quen biết. Ở cái thời mà các lựa chọn giải trí quá đỗi eo hẹp, người ta thường xem một DVD hay nghe một CD lặp đi lặp lại. Chính thói quen ấy đã tạo nên một cảm giác gắn bó kỳ lạ đối với chiếc đĩa — cảm giác quý trọng những gì ít ỏi mà mình có — khiến cho trải nghiệm mua băng đĩa lậu gây thương nhớ đến vậy.

Khi hồi tưởng về những ngày xưa cũ, người ta thường có xu hướng tô vẽ màu hồng kỉ niệm của mình, chuyện mua băng đĩa lậu cũng không là ngoại lệ. Thành thật mà nói, chất lượng của băng đĩa lậu ngày xưa tệ không bàn cãi, tệ đến mức có thể gây hại đến đầu máy DVD vì chất lượng ghi thông tin. Có lúc tôi nghe âm thanh như cào thét, giọng nói lồng tiếng chồng lên âm thanh gốc trong phim thiếu nhi, hay từng mua phải đĩa chỉ có phụ đề tiếng Bồ Đào Nha (khá kỳ cục là chuyện này đã từng xảy ra với tôi tận hai lần). Tuy vậy, những sơ sót kỳ lạ này lại là nét độc đáo của trải nghiệm băng đĩa lậu, góp phần vào nét hay ho của nó. Người mua băng đĩa lậu thường biết mà chấp nhận những khuyết điểm này.

Nhưng điều buồn cười nhất về việc xem băng đĩa lậu có lẽ là chất lượng lồng tiếng. Âm thanh thường không khớp với thoại, thậm chí rè đến mức hầu như hiểu được gì. Bất cứ ai, dù nói tiếng Anh hay không, cũng đều thấy được ngay. Nhưng dẫu có nhiều điểm trừ như thế nào, một chiếc đĩa phim mới vẫn là một cái cớ tốt để mời bạn bè sang nhà nhau chơi.

Băng đĩa lậu tốt hay xấu?

Bài viết này không ra đời với mục đích bảo vệ chuyện sao chép lậu, hoặc lý luận vì sao việc sao chép lậu là một phần của văn hóa Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng DVD lậu thời đó đã đem lại cơ hội giải trí cho những người thiếu điều kiện mua băng đĩa chính hãng, nhưng chúng cũng dẫn đến hệ quả xấu với người làm sáng tạo. Trong quá khứ, nhiều nhà làm phim và nhạc sĩ không thu được chút lợi nhuận nào từ sản phẩm trí tuệ của mình, sao chép lậu trên mạng vẫn còn gây khó dễ với nghệ sĩ ngày nay. Vấn đề này dấy lên câu hỏi: chúng ta nên nghĩ về băng đĩa lậu như thế nào?

Trong suy nghĩ của tôi, băng đĩa lậu chiếm một vị trí về ký ức văn hóa độc đáo mà chẳng lãng mạn hay đạo đức gì. Nếu có ai mà còn thích cái vẻ ngoài “ô dề” của băng đĩa lậu ngày nay, thì chỉ có thể là mấy người cuồng CD đến độ theo học ngành phim, hoặc là người cao tuổi không theo kịp với công nghệ. Sau tất cả, bàn luận về băng đĩa lậu không phải để dung túng cho nó mà để nhớ về nó như một hiện tượng theo thời gian, biểu tượng của một thời kỳ mà loại hình giải trí rẻ tiền như CD cũng có cái nét riêng về mặt thẩm mỹ và cái gì đó hay ho — một thời đáng nhớ của thanh xuân chúng ta.

Bài viết liên quan

in Ẽplain

Hồi ức đẹp về forum Táo Xanh, mái nhà online cho người đồng tính Việt những năm 2000

Trước kỷ nguyên của Facebook, Insta, hay Twitter, đã có một thời cư dân mạng chỉ có thể kết nối với nhau trên các diễn đàn online.

in Văn Hóa

Sau 1 thế kỷ du nhập, văn hóa nhảy đầm cho thấy gì về tư tưởng xã hội ở Việt Nam?

Trước khi trở thành hoạt động phổ biến với mọi tầng lớp xã hội, nhảy đầm đã trải qua nhiều phen ba chìm bảy nổi.

in Văn Hóa

Tìm dư vị Hà Nội những ngày xưa cũ trong tiếng rao 'rươi'

Trong tiếng rao của người bán rươi vang vọng lời mời gọi của mùa thu, khi những hương vị từ khắp Việt Nam hòa quyện trên bàn ăn.

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Cầu Long Biên: Từ biểu tượng sức mạnh đế quốc đến chứng nhân lịch sử thủ đô

Trải qua vòng đời hơn trăm năm, không ít dấu tích của thời gian đã phủ đầy cầu Long Biên. Nhưng chiếc cầu sắt qua sông Hồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng di sản Hà Nội. Hãy cùng Ti...

in Ao Ta

Dấu Sông Hồn Phố: Hành trình lần theo sử tích nghìn năm của sông Tô Lịch

Chúng tôi bắt đầu hành trình trước cửa một ngân hàng đoạn Trần Nhật Duật rẽ vào Chợ Gạo.