Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Parks & Rec » Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

“Mấy cái đồ nội thất này cũng mấy chục năm rồi, cứ xài như bình thường thôi không cần phải sợ. Đây là đồ công nghiệp sản xuất cho văn phòng, hành chính, quân đội hồi xưa nên người ta làm kĩ lắm, chất liệu các thứ cứng ngắc à,” anh Hoàng, một nhà sưu tầm nội thất quân đội, chia sẻ với tôi. Trót mê mẩn tính bền bỉ của dòng nội thất độc đáo này, anh đã dựng nên một cửa hiệu dành riêng để giới thiệu và tôn vinh chúng.

Depot No. 3 tọa lạc trong một con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đối diện bán đảo Bình Quới-Thanh Đa. Nhìn từ xa, cửa hàng nổi bật với bờ tường tông màu xanh rêu lạnh, cùng biển hiệu có các chữ cái được tô khuôn — hình ảnh làm người ta lập tức gợi nhớ đến các công trình quân đội thực thụ quanh thế giới. Phong cách đặc trưng này phản ánh sản phẩm của cửa hàng: các mặt hàng quân dụng.

Bên trong cửa hàng, từng ngóc ngách đều được lấp đầy bởi những vật dụng đã nhuốm màu thời gian — đa phần là ghế, bàn, đèn, kệ, v.v. Trên tường treo những hình trang trí, vẽ bản đồ Việt Nam cũ hoặc những biển quảng cáo cổ điển kiểu Mỹ. Khi bước vào không gian nơi đây, người xem như bước vào một kho lưu trữ ký ức nơi thời gian đã hoàn toàn đóng băng.

Hầu hết các vật phẩm trong cửa hàng của anh Hoàng đều được thu mua từ các tỉnh thành miền Nam như Sài Gòn, Biên Hòa, Đà Nẵng và Nha Trang. Là căn cứ hoạt động của quân đội Mỹ vào thời chiến, những địa danh này có nhiều văn phòng, cơ quan và nhà xưởng công nghiệp Mỹ, hoặc như anh Hoàng gọi chung là "sở Mỹ." Hầu hết các sản phẩm tại cửa hàng đều từng là đồ nội thất từ các công trình của lực lượng ngoại quốc đóng quân tại Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, người dân thu mua những đồ nội thất bị bỏ lại để tái sử dụng hoặc đem bán lấy phế liệu. Hoàng thu mua những chiếc đèn, kệ, bàn, v.v. hỏng hóc nhờ kết nối với những nhà buôn đồ cổ, người bán phế liệu, thậm chí cả những công nhân xây dựng. Giá cả tùy thuộc vào tình trạng và tuổi đời của hiện vật.

Sau khi thu mua, nội thất được anh Hoàng chuyển đến một nhà xưởng nơi hai người thợ bắt đầu công việc sửa chữa. "Việc tu sửa tốn nhiều thời gian và phụ thuộc vào kinh nghiệm của thợ sửa, để làm cho nó trở lại hình dạng ban đầu, trong khi một số khía cạnh được hiện đại hóa," anh Hoàng nói. Tuy việc sửa chữa là để khôi phục tình trạng ban đầu của đồ vật, một số chức năng cũng được chuyển đổi để phù hợp hơn với thời hiện đại. Chẳng hạn, anh Hoàng ưu tiên sử dụng bóng đèn LED vì tiết kiệm năng lượng và tỏa ra ít nhiệt hơn.

Anh Hoàng có thể nhớ và chỉ ra tuổi đời và quốc gia xuất xứ của mỗi món đồ trong cửa hàng. Bên cạnh các mặt hàng Mỹ từ những năm 60, còn có những hiện vật từ các quốc gia khác như Nhật Bản, Pháp và Nga. Giữa chồng chất các loại đồ cổ, có một cánh cửa gỗ kỳ lạ dẫn đến văn phòng riêng của anh Hoàng, nơi anh lưu trữ những vật phẩm sưu tập cá nhân của mình.

Gần như mọi món đồ, từ quần áo treo trên tường và nội thất, đến các thiết bị và thậm chí cả thùng rác và bình nước trong văn phòng của anh Hoàng đều trông như đến từ một thời kỳ khác. “Đây là khu riêng của mình, người ta thường gọi vui đó là ‘man cave’ (lãnh địa) nơi mà mình có thể làm việc, nghỉ ngơi, hoặc đơn giản chỉ là ngắm cảnh qua cửa sổ,” Hoàng chia sẻ.

Hoàng sinh ra ở Đắk Lắk và chuyển đến Sài Gòn khoảng năm 2009 để theo học ngành thiết kế nội thất ở trường đại học. Đó là thời điểm anh bắt đầu yêu thích những bộ phim chiến tranh và đặc biệt là cảnh quay, trang phục và phụ kiện mang dấu vết của thời kỳ đó. Vì vậy, anh bắt đầu sưu tập những vật phẩm cổ điển, không chỉ là nội thất công nghiệp mà còn bao gồm cả phụ kiện da, đồ nội thất gỗ, xe Vespa, v.v. "Cả thiết kế và câu chuyện lịch sử của những món đồ này khiến mình rất thích thú. Và càng tìm hiểu sâu, đam mê của mình lại càng lớn hơn," anh chia sẻ.

Từ niềm đam mê với các sản phẩm nội thất quân dụng, anh Hoàng bắt đầu lấn sân sang các mặt hàng thủ công. Vì không đủ kinh phí để mua một đôi dép lính cổ điển, anh thử thách bản thân tự làm cho mình một đôi, và sau khi nhận được phản hồi tích cực từ bạn bè, anh bắt đầu sản xuất các phụ kiện da thủ công như một nghề tay trái. Kinh nghiệm này giúp anh tạo ra những bộ nội thất phong cách công nghiệp cổ điển hoàn thiện từ những mảnh vụn anh thu thập được. Các công cụ, mảnh da và phần kim loại trên bàn làm việc của Hoàng là minh chứng cho thấy anh vẫn đang thành công với những thử nghiệm thủ công của mình.

Ngoài công việc phụ, Hoàng còn tham gia vào các dự án thiết kế nội thất và đã có nhiều cơ hội thăm thú nhiều cửa hàng đồ quân dụng ở Thái Lan trong những chuyến công tác. Những chuyến đi này đã truyền cảm hứng cho anh tạo nên một không gian riêng để trưng bày đam mê của mình: "Mình muốn thể hiện cái tôi của mình trong không gian xung quanh. Nó tạo cảm hứng cho mình làm việc, và thỏa mãn đam mê sưu tập." Từ đó, Depot No. 3 ra đời như một cách để anh sống đúng với đam mê, cũng như là một phương tiện để duy trì sở thích của mình về lâu dài.

Hoàng cũng sở hữu một kho sách khá lớn về nội thất cổ điển. Lật qua các trang của một cuốn, anh dừng lại trước một chiếc tủ từ thương hiệu Strafor, một nhà sản xuất nội thất công nghiệp Pháp trong thế kỷ 20. Chiếc tủ Strafor đang trưng bày ngay tại Depot No. 3 có tuổi đời khoảng 100 năm.

Hiện vật cổ xưa này là một chiếc tủ hồ sơ thép cao hai mét, bao gồm 30 ô khoá; đây là một phiên bản lớn hơn của chiếc tủ trong sách ảnh. Trong số những món đồ ưa thích của Hoàng trong cửa hàng, anh gọi chiếc kệ này là "anh cả trong nhà." Mặc dù Hoàng không cung cấp thông tin cụ thể về hành trình của chiếc tủ Strafor đến đó, anh bật mí rằng anh rất may mắn khi có được nó từ một người bạn đáng tin cậy. Hơn nữa, anh chia sẻ: "Trải qua bao nhiêu năm rồi, những món đồ này không dễ tìm được. Hồi đó, người ta đâu biết sẽ có những người chơi phong cách này, nên họ bán phế liệu hết, họ sẽ muốn một chiếc tủ mới chẳng hạn..."

“Có một số người cũng sẽ thấy khó hiểu vì sao những cái đồ này lại mắc đến như vậy. Mình nghĩ là do họ chưa tìm hiểu thôi, chứ chỉ cần tìm tòi một tí là sẽ hiểu ngay tại sao những món này nó giá trị đến như vậy.”

“Mình thì luôn sẵn sàng chia sẻ những cái mình biết để mọi người có thể hiểu hơn về cái lịch sử của những món đồ này. Bọn mình cũng chỉ muốn làm những món đồ này thật tốt và đặt đúng giá trị cho công sức bọn mình bỏ ra, bọn mình không muốn hạ thấp cái điều đấy. Khó khăn thì sẽ có thôi, nhưng nói chung mình cứ làm tốt cái việc của mình.”

Depot No. 3 tọa lạc tại số 801/89 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP. HCM.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Văn Hóa

Người yêu tiền cổ từ bỏ sự nghiệp học thuật để gắn đời mình với chợ đêm Đà Nẵng

Chúng ta chọn sống vì gì? Vài người sẽ bảo đó là đức tin, là gia đình hoặc nghệ thuật. Còn với anh Trần Văn Nam, lẽ sống ấy là tiền, nhưng không phải theo cách mà người ta vẫn nghĩ.

in Đời Sống

Chuyện về chú Hai Bạc, người thợ miệt mài sửa Vespa qua 4 thập kỉ thăng trầm

Ở cái tuổi thất tuần, chú Phan Văn Bạc, hay mọi người vẫn thân thương gọi chú là chú Hai Bạc, vẫn ngày ngày làm việc với ốc vít, động cơ, dầu máy để tân trang cho những con xe Vespa và Lambretta cổ. C...

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

in Parks & Rec

Tìm bình yên trên hành trình 'săn mây' ở Đồi chè Cầu Đất Đà Lạt

Miền Bắc California, nơi tôi lớn lên, là vùng đất may mắn được tạo hóa ban cho thiên nhiên thanh bình. Những con đường mòn không tên, những đỉnh núi đầy sương mây bao bọc nơi đây được tôi xem như thiê...

in Parks & Rec

Tôi đi nhảy đầm trong thế giới 'quẩy tung nóc' của jazz dance

Từ khi bắt đầu học nhảy jazz, câu tôi hay nghe nhất từ những người xung quanh là “Jazz mà cũng nhảy được á?”

in Parks & Rec

Về biển Đà Nẵng, tìm hội chiến hữu đam mê lướt sóng

Đà Nẵng không phải là một điểm lướt sóng quá nổi bật khi so với những thánh địa lớn trên thế giới về biển như Hawaii hoặc San Diego. Trên những bãi biển cát trắng của thành phố miền Trung, người ta ha...